Lý giải về điều này, ThS-LS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi gian dối của người bán thông thường là gây thiệt hại nhỏ, người bị hại lại không tố giác nên cơ quan điều tra không biết để xử lý. Trong một số trường hợp, người bán có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị sẽ truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là Lừa dối khách hàng.
![]() |
Ảnh: TL
Theo ThS-LS. Nguyễn Thị Ngọc Xuân, tội lừa dối khách hàng đã được quy định trong Bộ luật hình sự 1985, 1999 và sau này là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đến dưới 50.000.000 đồng.
Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ một đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.
Do đó, khi có căn cứ chứng minh hành vi của người bán hàng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra có quyền khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can mà không đòi hỏi phải có đơn yêu cầu của bị hại (người mua hàng). Chủ thể của tội lừa dối khách hàng là người bán, người cung cấp dịch vụ có dùng thủ đoạn gian dối nhằm thu lợi bất chính. Dù biết gây thiệt hại cho người mua, họ vẫn cố tình thực hiện.
Nguyễn Phạm Hải